Tranh tường Khmer Nam bộ có gì độc đáo?

Tranh tường Khmer Nam bộ có gì độc đáo?
Ngày đăng: 11 tháng trước

    Cuốn sách “Tranh tường Khmer Nam bộ” vừa được Nhà xuất bản Văn hóa Văn Nghệ ấn hành, ít nhiều phác họa cơ bản về loại hình nghệ thuật truyền thống của người Khmer.

    Tác giả Huỳnh Thanh Bình là một nhà nghiên cứu trẻ, từng xuất bản hai cuốn sách văn hóa “Tranh kiếng Nam bộ” vào năm 2013 và “Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo” vào năm 2018.

    Lâu nay tranh tường Khmer hiện diện như một nét quyến rũ cả về thẩm mỹ và tâm linh. Tuy nhiên, chưa ai tìm hiểu cặn kẽ về tranh tường Khmer.

    Tác giả Huỳnh Thanh Bình đã chạm vào đề tài này theo cách riêng: “Trong nỗ lực nghiên cứu các dòng tranh kiếng Nam bộ nói chung, tôi dần dần tìm hiểu thêm nội dung một số bức tranh tường ở chùa tháp Khmer. Càng tìm hiểu, tôi càng bị lôi cuốn, chúng bí ẩn, sâu sắc hơi vẻ sặc sỡ bên ngoài.

    Thế là tôi bắt đầu việc tìm hiểu tranh tường Khmer một cách có hệ thống, đặt trong tổng quan nền văn hóa Khmer trên thế giới. Tôi đi từ các huyện biên giới An Giang đến Bạc Liêu, Sóc Trăng, rồi Trà Vinh, Kiên Giang… Không vội vàng, cứ thong thả tìm hiểu, ghi chép, đối chiếu, khi rõ ràng rồi mới viết”.

    Tranh tường Khmer mang nét sáng tạo riêng.

    Tranh tường Khmer mang nét sáng tạo riêng.

    Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng lúa nước và các loại hoa màu như đậu, rau cải, dưa hấu…

    Bên cạnh đó, cùng với việc phát triển các ngành nghề thương mại, chăn nuôi và đánh bắt thủy sản thì người Khmer cũng quan tâm đến lĩnh vực sản xuất thủ công nghiệp, và xem đây là một trong những hoạt động kinh tế thứ yếu chiếm 2,05%.

    Các nghề thủ công chỉ có ở một số vùng và một số gia đình có nghề truyền thống. Hiện nay các ngành nghề thủ công không phát triển vì thiếu vốn, không có thị trường tiêu thụ, còn nghề thủ công truyền thống thì đang mai một.

    Do đó, công trình “Tranh tường Khmer Nam bộ” ra đời không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật, mà còn góp phần tôn vinh nét đẹp sáng tạo của cộng đồng người Khmer.

    Tác giả Huỳnh Thanh Bình đang công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Một phụ nữ 35 tuổi lại quan tâm đến tranh tường Khmer cũng là một điều khiến nhiều người ngạc nhiên. Tuy nhiên, Huỳnh Thanh Bình là con gái của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, nên từ nhỏ cô đã được tiếp xúc với không gian văn hóa đậm chất Nam bộ.

    Trong cuốn sách, tác giả Huỳnh Thanh Bình khẳng định: Tranh tường Khmer kế thừa thành tựu nghệ thuật tạo hình truyền thống mà trực tiếp là nghệ thuật trang trí nội ngoại thất tự viện, tranh cuộn trên vải/ preah bot, tranh vẽ trên giấy bìa “kờrăng”.

    Do đó, tranh tường Khmer độc đáo không chỉ về mặt đề tài mà cả về đặc trưng hình họa, màu sắc và phong cách tạo hình nghệ thuật. Tranh tường Khmer cũng cho thấy thị hiếu thẩm mỹ và cái nhìn mỹ thuật không chỉ của người nghệ nhân tạo tác mà đó còn là của cả cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.

     

    Cuốn sách “Tranh tường Khmer Nam bộ” đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer.

    Cụ thể, trọng tâm là nghiên cứu sâu hệ thống đề tài, kỹ pháp tạo hình và truy cứu nguồn cội lịch sử của tranh tường Khmer thông qua các tranh vẽ vẫn được hiện tồn ở các chùa tháp của cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long và những dữ liệu điều tra từ các nghệ nhân vẽ tranh tường đã và đang còn làm nghề.

    Cuốn sách “Tranh tường Khmer Nam bộ” là kết quả sưu tầm chủ yếu là phương pháp điều tra điền dã để khảo sát những bức tranh tường cũ lẫn mới, và đồng thời tiến hành phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố các nghệ nhân vẽ tranh tường cũng như những vị Acha, Sư Cả, các trí thức, cán bộ văn hóa Khmer và người dân Khmer. 

    PHẠM TUẤN

    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline