Hình tượng người phụ nữ trong mỹ thuật Việt Nam

Hình tượng người phụ nữ trong mỹ thuật Việt Nam
Ngày đăng: 9 tháng trước
     

    Đến thời đồ đồng, người phụ nữ cùng công việc, chức năng của họ đã đi vào đời sống mỹ thuật thực dụng khá độc đáo, phong phú. Từ đầu đến eo, hông của họ được tạo hình thành chuôi dao, cán rìu, rồi đến những công việc như xay thóc, giã gạo, nhảy múa và nhiều động thái vũ đạo đa dạng, phóng khoáng được cách điệu tài tình bằng những nét, mảng kỷ hà khái quát cao độ trên các mặt và tang trống đồng, đặc biệt là trống đồng Ngọc Lũ. Thiên chức làm vợ và sinh nở được đưa lên thành hình tượng nghệ thuật hết sức táo bạo trên nắp thạp đồng Đào Thịnh.

    Nếu như nghệ thuật ở giai đoạn đồ đá, đồ đồng vai trò người đàn bà được sánh ngang hàng với đàn ông trong sinh hoạt bình thường mang nhiều tính nhân văn thì càng dần về sau hình tượng phụ nữ được phân định thứ bậc. Họ đã hoá thân thành Phật Bà linh thiêng với nhiều bàn tay, con mắt đứng ngồi vào hàng tôn nghiêm trong Tam Bảo hoặc được cách điệu đẹp rất "thần linh" trong các nhân vật Thánh Mẫu, Tiên Cô, Bà Chúa... theo quan niệm siêu phàm của tín ngưỡng... qua các tượng và tranh thờ từ miền xuôi lên miền núi. Cái đẹp của thân liễu bồ được các nghệ sĩ cung đình xưa với cách nhìn tinh tế và quan niệm dân gian lành mạnh, khoẻ khoắn, táo bạo đưa lên thành những bố cục chạm khắc bằng chất liệu gỗ, đá vô tri, tạo ra những tác phẩm tuyệt mỹ như "Cung nữ múa hát", "Nữ tỳ dâng hoa", "Làm trò", "Chuốc rượu"... Lúc thịnh nền văn minh châu thổ trong ấm no, hạnh phúc của xóm làng trù mật thì hình tượng người phụ nữ xuất hiện rất nhiều trong các bức chạm nổi trên gỗ, đá ở đình, chùa, miếu, am; những cảnh "Tắm đầm sen", "Gái trai đùa ghẹo", "Chải tóc", "Bắt cua", "Chèo thuyền"... được các nghệ sĩ nơi dân dã thể hiện tài tình bằng những khoảng "lộng" hay những khối chìm nổi mang lại cho tác phẩm chất thần rất đáng khâm phục.


     Cây đèn hình người quỳ bằng đồng có niên đại văn hóa Đông Sơn cách nay khoảng 2.500-2.000

    Với hội hoạ truyền thống, hình tượng phụ nữ với vẻ đẹp của đôi mắt lá dăm, đôi mày lá liễu, tóc bỏ đuôi gà... cùng những đường cong gợi cảm ẩn trong mảnh yếm thắm, tà áo tứ thân đã khiến các hoạ sĩ của các dòng tranh dân gian mê đắm, tạo ra nhiều tác phẩm như "Hứng dừa", "Đánh ghen", "Bà Triệu", "Bà Trưng"... (Đông Hồ) và "Tố nữ", "Thuý Kiều", "Hội chùa", "Đi chợ" (Hàng Trống).


    Hai bà Trưng_Tranh dân gian Đông Hồ


    Khi mỹ thuật hiện đại ra đời (1925) các hoạ sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được tiếp thu những kiến thức tạo hình hàn lâm, hiện đại, họ nhìn nhận và nghiên cứu hình thể phụ nữ rất kỹ bằng những bài hình hoạ nghiêm túc và đã đưa vẻ đẹp vĩnh hằng với những đường cong tuyệt mỹ vào những kiệt tác mà cho tới mai sau vẫn là báu vật văn hóa nước nhà. Có thể kể đến "Thiếu nữ bên hoa huệ", "Bên hoa phù dung" của Tô Ngọc Vân, "Em Thuý", "Gội đầu" của Trần Văn Cẩn, "Mẹ con" của Lê Thị Lựu, "Thiếu nữ Bắc, Trung, Nam" của Nguyễn Gia Trí, "Chơi ô ăn quan" của Nguyễn Phan Chánh và trong các tác phẩm khác của Nguyễn Khang, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đức Nùng, Lê Phổ... Song mỹ thuật hiện đại không dừng lại ở những vẻ đẹp phụ nữ trong môi trường dáng điệu thuần tuý... Các hoạ sĩ, nhà điêu khắc hết sức trân trọng, nâng niu cái đẹp thiên phú và đưa chúng lên một tầm cao hơn, đó là vẻ đẹp của cái nết - cái lõi của tâm hồn xuất phát từ đức hạnh, đạo lý làm con gái, làm vợ, làm mẹ của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử giữ nước và dựng nước. Từ những vẻ đẹp gắn với chiến công của các anh hùng, liệt nữ cho đến những vẻ đẹp sôi động ngoài xã hội của các mẹ, các chị, các em, những hình tượng cao đẹp của người phụ nữ đã chiếm lĩnh và nở rộ trong vườn hoa mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Hình tượng phụ nữ bao giờ cũng đóng vai trò "lĩnh xướng" trong các công trình tượng đài và tranh hoành tráng như "Nam Ngạn chiến thắng", "Bài ca sông Lô"...; hình ảnh các chị với nét nở nang thông qua ngôn ngữ điêu khắc bay vút lên giữa trời xanh lồng lộng thách thức mọi kẻ thù xâm lược. Các "Tay bay" có tiếng như Diệp Minh Châu, Dương Đăng Cẩn, Nguyễn Hải, Lê Công Thành, Lê Đình Quỳ, Môlôkai, Đinh Rú, Trần Tía... với những "Cô gái Trường Sơn", "Phá bom", "Chuyển hàng", "Cọc tiêu", "Ngọn đèn đứng gác"... ở đây, sự rắn rỏi của ngôn ngữ khối không gian được diễn tả chân thực mà khái quát. Những bà má, em gái vót chông, những cô gái tự vệ sông Hương, du kích Đồng Tháp, nông dân, công nhân, tay liềm tay súng, tay búa tay súng... đều được các nhà điêu khắc hoá thân thành những nữ thần chiến thắng duyên dáng, đẹp một cách mạnh mẽ, gợi cảm.

    Trong hội hoạ, các hoạ sĩ dành nhiều xúc cảm thẩm mỹ và chất liệu quý hiếm cho đề tài phụ nữ Việt Nam, như Lê Lam với tranh sơn dầu "Dừng lại", Huỳnh Văn Gấm với tranh sơn mài "Trái tim và nòng súng" hoặc Nguyễn Đức Nùng với tranh sơn mài "Kết nạp Đảng trong tù"... Và còn nhiều tác phẩm khác phản ánh rất chuẩn xác, hùng hồn sức mạnh diệu kỳ của đội quân tóc dài anh hùng, bất khuất. ở hậu phương lớn miền Bắc, trong những năm đánh Mỹ, phụ nữ với phong trào "Ba đảm đang" được các hoạ sĩ khai thác chắt lọc lên thành những hình tượng đẹp cả về hình thể lẫn tâm hồn. Những tác phẩm lớn của các hoạ sĩ như "Tát nước đồng chiêm", "Mưa mai trên sông Kiến" (Trần Văn Cẩn), "Mùa vàng" (Dương Bích Liên), "Sau giờ trực chiến" (Nguyễn Phan Chánh), "Phân xưởng nhuộm" (Bùi Xuân Phái), "Tan ca" (Nguyễn Đỗ Cung) đều là những tác phẩm có giá trị trong lịch sử hội hoạ.

    Tát nước đông chiêm của họa sỹ Trần Văn Cẩn


    Lão hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh được đánh giá là hoạ sĩ bậc thầy về vẽ phụ nữ trên lụa. Các nhân vật nữ của cụ suốt từ "Chơi ô ăn quan" (1931) đến "Trăng tỏ, trăng lu", "Kỳ lưng", "Sau giờ trực chiến" (1979) đều toát lên vẻ đẹp tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam.

    Chơi ô ăn quan của họa sỹ Nguyễn Phan Chánh

    Bữa cơm ngày mùa thắng lợi của họa sỹ Nguyễn Phan Chánh

    Chất nữ và nét nữ thật dễ dàng nhận ra ở từng nữ tác giả. Đáng yêu và kính trọng biết bao các cô gái Trường Sơn từ nhiều miền quê ra đi mở đường cứu nước. Hình ảnh họ trẻ khoẻ, hiên ngang giữa chập chùng bom rơi đạn rít trong tranh lụa của Vũ Giáng Hương và trong tượng tròn của Nguyễn Thị Kim, Ninh Thị Đền, Lều Thị Phương, Mai Thơ. Và đẹp biết bao những bàn tay lao động trong xưởng máy, trên công trường, ngoài đồng ruộng trong tranh sơn mài, sơn khắc, sơn dầu và lụa của Kim Bạch, Nguyệt Nga, Minh Mỹ, Đỗ Thị Ninh, Hà Cắm Dĩ, Thắm Phoong... Không phải ngẫu nhiên mà tất cả mọi thể nghiệm để tìm và đưa ra những chủ thuyết, tuyên ngôn của một trường phái hay hoạ pháp nào trong nghệ thuật tạo hình đều thường bắt đầu từ hình tượng người phụ nữ. Vẻ đẹp và sức sống của họ luôn cùng mỹ thuật sánh bước song hành.

    Nguồn: Sưu tầm

    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline